10/29/19

TCKT-NPC-Tieu-chuan-ky-thuat-he-thong-dieu-khien-bang-may-tinh

Post oleh : Tinh150850 | Rilis : 6:00 PM | Series :
 PHẦN 4:
 TIÊU CHUẨN KỸ THUẬT LỰA CHỌN THIẾT BỊ NHỊ THỨ

 IV. TIÊU CHUẨN VỀ HỆ THỐNG ĐIỀU KHIỂN VÀ BẢO VỆ
CHO TBA CÓ ĐIỀU KHIỂN MÁY TÍNH

     Trong các trạm biến áp có điều khiển máy tính: tủ bảo vệ (RP) có thể được thiết kế riêng rẽ với tủ điều khiển (CP) như ở các trạm truyền thống hoặc có thể kết hợp lại thành tủ điều khiển và bảo vệ (RCP).

 IV.1. Tiêu chuẩn về cấu trúc tủ bảng điều khiển, bảo vệ

- Nhà sản xuất/nước sản xuất: Nêu rõ
- Kiểu         : Tủ tự đứng
- Điều kiện vận hành : Trong nhà
- Độ bảo vệ của vỏ tủ : IP41
- Mức bảo vệ của tủ hạ thế, các cơ cấu đóng cắt và điều khiển: IEC 144
- Kích thước tủ bảng : 
+Cao : 2200mm
+Rộng : 800mm
+Sâu : 800mm
- Độ dày lớp kim loại làm vỏ tủ : ³ 2mm.
- Màu sơn : RAL 7032 
- Kiểu sơn : Sơn tĩnh điện
- Cửa : Cửa đằng sau (hoặc cả trước và sau)
- Góc mở của cửa : 1350
- Cửa có tay cầm : Tay cầm có khóa
- Tủ có cửa thông khí cho không khí đối lưu khi bộ sấy hoạt động, các cửa thông khí có lưới chắn côn trùng và tấm lọc bụi.
- Các tiêu chuẩn khác liên quan đến: sơ đồ MIMIC trước tủ, nhãn tủ, nhãn thiết bị, thanh nối đất, tấm đáy, hệ thống sấy chiếu sáng, hàng kẹp đấu nối … giống với các tiêu chuẩn về tủ điều khiển và bảo vệ (IV.3.1.1 và IV.3.2.1).
- Các thiết bị được lắp đặt phải hoạt động bình thường trong giới hạn nguồn cung cấp tối thiểu 220VDC ± 10% và được bố trí trong tủ hợp lý, thiết kế những khoảng trống dự phòng cho mở rộng trong tương lai (≥20%)

 IV.2. Tiêu chuẩn về hệ thống điều khiển trạm biến áptích hợp.

 IV.2.1. Tiêu chuẩn chung.

- Nếu sử dụng thiết bị IED để điều khiển các thiết bị cấp điện áp từ 110 kV trở lên thì phải được trang bị riêng (không sử dụng chung với thiết bị rơle bảo vệ) và theo phạm vi từng ngăn lộ.
- Chức năng điều khiển và bảo vệ cho các thiết bịcấp điện áp từ 35 kV trở xuống nếu sử dụng thiết bị IED thì có thể tích hợp chung trong cùng một thiết bị.
- Các thiết bị điều khiển và bảo vệ phải được đặt tập trung trong nhà điều khiển của TBA. Trong trường hợp đặc biệt do điều kiện mặt bằng trạm, do bố trí ngăn lộ phù hợp với hướng tuyến của các đường dây cần xây dựng nhà ngoài sân TBA để lắp đặt thiết bị điều khiển, bảo vệ, các đơn vị lập báo cáo trình NPC và chỉ được xây dựng khi được sự chấp thuận của NPC.
- Các thiết bị IED dùng để điều khiển và bảo vệ phải được chế tạo và thử nghiệm theo các tiêu chuẩn IEC. Trước khi đưa vào vận hành, các IED phải được kiểm tra khả năng đáp ứng giao thức truyền thông theo các tiêu chuẩn IEC bởi đơn vị quản lý kỹ thuật của NPC.
- Các đơn vị cung cấp phần mềm, phần cứng phải đào tạo và đảm bảo chuyển giao hoàn toàn công nghệ cho các đơn vị quản lý kỹ thuật của  NPC trong quá trình thực hiện việc xây dựng trạm biến áp điều khiển tích hợp. Việc chuyển giao công nghệ phải đảm bảo các đơn vị quản lý kỹ thuật của NPC phải hoàn toàn làm chủ công nghệ, có khả năng quản lý, bảo dưỡng định kỳ, thay thế các thiết bị cũng như mở rộng hệ thống mà không phụ thuộc vào nhà cung cấp phần mềm cũng như phần cứng.

 IV.2.2. Yêu cầu cấu hình phần cứng

1, Đối với trạm điều khiển tích hợp có người trực vận hành

- Hai (02) máy tính chủ thực hiện chức năng Main Host Server và Backup Host Server. Mỗi máy được kết nối với 1 hoặc 2 màn hình LCD ≥ 21 inches để thực hiện thêm chức năng HMI Server.
- Một (01) máy tính chủ giữ chức năng HIS, Gateway Server với màn hình LCD ≥ 21 inches. Có thể tích hợp vào Host server hoặc HMI server.
- Một (01) máy tính kỹ sư với 1 màn hình LCD ≥ 21 inches.
- Một (01) hoặc hai (02) máy in laser A4.
- Một (01) GPS được sử dụng để đồng bộ thời gian các IED tại một trạm và giữa các trạm.
- Các Switch: Gồm Bay Switch và các Ethernet Switch.
- Một (01) ADSL Modem and Router.

* Các chức năng chính
Các chức năng chính của hệ thống điều khiển tích hợp được tích hợp trên 01 hoặc nhiều máy tính chủ, tùy thuộc vào giải pháp công nghệ hoặc khuyến cáo của nhà sản xuất nhưng phải đảm bảo tính liên kết, truy xuất dữ liệu lẫn nhau trong cùng hệ thống.
- Main host Server: Cài đặt các phần mềm tích hợp có khả năng cấu hình, giám sát, điều khiển, khai thác vận hành các thiết bị trong trạm. Hệ thống phải đáp ứng yêu cầu truy cập từ xa trực tiếp và riêng rẽ đến tất cả IEDs để thực hiện toàn bộ các thao tác đến các IED giống như kết nối trực tiếp với chúng bằng cổng serial local, không làm ảnh hưởng đến trạng thái vận hành của trạm. Máy chủ này có các giao diện giúp người điều hành có thể giám sát và điều khiển hệ thống thông qua 2 màn hình…
- Backup Host Server: Được cài đặt phần mềm tích hợp giám sát hệ thống. Máy chủ này có nhiệm vụ thu thập, lưu trữ, quản lý dữ liệu hệ thống. Người quản trị có thể giám sát và điều khiển hệ thống thông qua 1 màn hình, đặc biệt trong trường hợp Main Host Server gặp sự cố…
- HMI server: Cài đặt phần mềm giao diện quản lý điều khiển, giám sát, cảnh báo và trợ giúp trong vận hành. 
- HIS server: Cài đặt các phần mềm lưu trữ, quản lý dữ liệu quá khứ (HIS) của hệ thống được tích hợp.
- Gateway server: Được cài đặt các phần mềm có chức năng chuyển đổi giao thức. Hệ thống các thiết bị ở trạm với nhiều giao thức truyền thông khác nhau sẽ được chuyển đổi về một giao thức tiêu chuẩn chung để kết nối với các hệ thống SCADA; hệ thống quản lý, giám sát điều khiển của các Trung tâm giám sát, điều khiển (xa).
- Engineering computer: Đây là loại máy tính công nghiệp để phục vụ người kỹ sư sử dụng trong quá trình sửa chữa để cài đặt lại hệ thống cũng như lấy các bản ghi sự cố từ rơle. Máy tính được cài đặt tất cả các phần mềm liên quan dùng để cài đặt rơle, đồng hồ đa năng… Ngoài ra nó còn được người quản trị sử dụng tạo các báo cáo về hệ thống như: báo cáo ngày, báo cáo tháng, báo cáo theo thời gian, các phần mềm văn phòng thông thường, truy cập internet…
- Máy tính khác (nếu có): 
+ Trong trường hợp trạm sử dụng máy tính riêng độc lập các các máy tính chủ của hệ thống thì  việc lắp đặt các máy tính này được xem xét theo giải pháp kỹ thuật của từng trạm cụ thể.
+ Đối với Camera giám sát, dữ liệu hình ảnh giám sát (sau khi xử lý nén) có thể được lưu trữ trên HIS server nếu HIS server là một máy chủ lưu trữ độc lập và phải đảm bảo dung lượng, thời gian lưu trữ. Hoặc ta có thể lắp đặt máy chủ riêng dùng cho quản lý, khai thác, lưu trữ dữ liệu của hệ thống Camera.
- Hệ thống nguồn cung cấp: Nguồn điện cấp cho hệ thống điều khiển, bảo vệ TBA là nguồnmột chiều (DC) điện áp định mức 220 V hoặc 110 V và phải được cấp từ hai (02) nguồn độc lập, trong đó một (01) nguồn cấp điện chính, nguồn còn lại ở trạng thái dự phòng và có thiết bị tự động chuyển sang nguồn dự phòng khi hư hỏng nguồn cấp điện chính.
Thiết bị đầu cuối và thiết bị cấp kênh truyền như: Gateway/RTU, thiết bị truyền dẫn, thiết bị ghép kênh phải sử dụng cùng nguồn cấp điện cho hệ thống điều khiển, bảo vệ của TBA(thông qua bộ biến đổi DC/DC cách ly nếu cần). Trong trường hợp tại TBA có nhiều thiết bị truyền dẫn với tổng công suất tiêu thụ điện năng lớn thì cần phải trang bị nguồn cấp điện cho thiết bị truyền dẫn riêng, nhưng thiết bị đầu cuối vẫn được cung cấp từ nguồn điện điều khiển, bảo vệ của TBA.
- Máy in: Được sử dụng để in các báo cáo.
- Đồng bộ thời gian:Các TBA sử dụng hệ thống điều khiển tích hợp phải trang bị các thiết bị đồng bộ thời gian theo tín hiệu vệ tinh (GPS). Thiết bị phải có chức năng đồng hồ chủ, các chỉ thị thông báo việc nhận tín hiệu thời gian từ vệ tinh, phân phối tín hiệu đồng bộ đến các thiết bị IED, máy tính trong TBA. Giao thức đồng bộ thời gian sử dụng theo SNTP hoặc IRIG - B.

2, Đối với trạm điều khiển tích hợp không có người trực vận hành

Đối với các TBA không có người trực vận hành, giao diện người-máy chỉ để phục vụ khi có công tác tại TBA và có thể thiết lập bằng một trong hai cách sau: 
- Trang bị một (01) máy tính đấu nối trực tiếp vào mạng LAN  cùng với phần mềm HMI 
- Trong trường hợp TBA đã được trang bị loại Gateway/RTU có hỗ trợ giao diện người-máy (HMI) thì có thể chỉ cần  một (01) máy tính kết nối và sử dụng trực tiếp HMI của Gateway/RTU. 
3, Hệ thống LAN nội bộ
Các thiết bị IED kết nối với nhau thông qua một mạng đơn Fast Ethernet nội bộ (mạng LAN đơn) theo tiêu chuẩn IEEE 802.3 với các thiết bị thiết lập mạng có độ tin cậy caovà hỗ trợ tiêu chuẩn IEC 61850.

* Yêu cầu về đấu nối mạng LAN

- Cáp kết nối mạng LAN và giữa các thiết bị IEDs: Cáp UTP CAT6 hoặc cáp quang multi-mode, single-mode tương ứng với giao diện mạng của các thiết bị tin học, thiết bị IEDs, NIM... Đấu nối từ các IEDs vào Switch bằng cáp quang hoặc cáp đồng và phải được bảo vệ trong ống nhựa hoặc máng cáp.
- Đấu nối cáp: Ưu tiên sử dụng các cáp tín hiệu và connector của Nhà sản xuất cấp kèm theo thiết bị. Trong trường hợp cáp và connector cấp sẵn không phù hợp (về giao diện, chiều dài…) với thực tế lắp đặt, có thể sử dụng các connector rời để thi công nhưng phải có chất lượng tốt, đảm bảo tiếp xúc tốt và suy hao tín hiệu thấp. Đối với với các loại connector quang, phải đảm bảo mức suy hao ≤ 0.5dB tại vị trí tiếp xúc với adaptor.
- Tất cả cáp tín hiệu kết nối giữa các loại thiết bị vào Switch phải được đánh số/dán tem nhãn để đánh dấu cáp tại 2 đầu cuối và tại các vị trí chuyển hướng trong tủ hoặc mương cáp, máng cáp. 

 IV.2.3. Yêu cầu về phần mềm

1. Yêu cầu chung về phần mềm 

- Phần mềm áp dụng phải phù hợp và tương thích với cấu hình phần cứng của hệ thống. 
- Phần mềm điều khiển trạm được tổ chức có uy tín trên thế giới công nhận hoặc có chứng chỉ của các phòng thí nghiệm độc lập.
- Hệ thống có khả năng tích hợp tối thiểu 50 IED, kết nối có phân quyền ít nhất 3 trung tâm điều độ. 
- Hỗ trợ đa dạng các giao thức truyền thông trên nền mạng Ethernet và cả serial
- Ngoài ra phần mềm điều khiển trạm phải có độ tin cây cao, tính dự phòng cũng như khả năng dễ dàng trong mở rộng hệ thống. Phần mềm cũng phải có đầy đủ các chức năng mà hệ thống tích hợp yêu cầu. 

2. Yêu cầu chức năng điều khiển của hệ thống

     Chức năng điều khiển là chức năng chính và quan trọng của hệ thống điều khiển TBA, điều khiển toàn bộ các quá trình vận hành các thiết bị trong TBA bao gồm điều khiển các công tác độc lập của từng thiết bị, đồng thời quản lý toàn bộ chuỗi sự kiện trong hệ thống, điều khiển các mạch liên động. Việc điều khiển TBA có thể thực hiện ở 4 mức:
- Từ Trung tâm Điều độ hoặc Trung tâm điều khiển: TBA được điều khiển từ Trung tâm Điều độ hoặc Trung tâm điều khiển thông qua hệ thống SCADA.
- Từ phòng điều khiển trạm: Thực hiện điều khiển các thiết bị trong trạm từ phòng điều khiển đặt tại TBA.
- Tại các tủ điều khiển, bảo vệ ở từng ngăn lộ: Điều khiển các thiết bị trong từng ngăn lộ thông qua các tủ điều khiển, bảo vệ của ngăn lộ đó.
- Tại thiết bị: Điều khiển thiết bị thực hiện thông qua các khóa điều khiển, nút bấm lắp đặt tại các thiết bị.
Đối với mỗi mức điều khiển phải có khóa chuyển đổi chế độ điều khiển Remote/Local ứng với từng mức điều khiển nêu trên.

3. Yêu cầu về khả năng sẵn sàng làm việc của hệ thống

* Đối với trạm biến áp không người trực vận hành

+ Khi sảy ra sự cố mất nguồn máy tính, không cần bất kỳ thao tác trực tiếp nào đến hệ thống máy tính, các máy tính phải tự khởi động lại và quay lại trạng thái làm việc bình thường trong thời gian không quá 20 phút từ khi nguồn điện cung cấp cho máy tính được khôi phục.
+ Khi tắt toàn bộ hệ thống máy tính tính năng điều khiển bằng tay tại mức ngăn vẫn đảm bảo, bao gồm: Hệ thống vẫn đảm bảo khóa liên động của từng ngăn và toàn trạm.
           +Tất cả các máy tính sau khi hoàn tất khởi động và hoạt động ổn định trong hệ thống điều khiển tích hợp, mức mang tải trung bình trong 1 phút của CPU, RAM ở trạng thái bình thường không vượt quá 20%CPU và 50%RAM.
          +Hệ thống nguồn cung cấp: các thiết bị lớp mạng (Switch, các máy Server…) phải có ít nhất 2 nguồn cung cấp hoặc được kết nối hệ thống nguồn lưu trữ dự phòng.

* Đối với trạm biến áp có người trực vận hành
     Yêu cầu về khả năng dự phòng giống với “trạm biến áp không có người trực” ngoài ra có thêm yêu cầu:
+ Khi tắt 1 trong 2 máy tính Main host và Backup host, các máy tính cơ bản của hệ thống điều khiển phải đảm bảo, bao gồm: Thu thập và hiển thị đầy đủ các dữ liệu đo lường và dữ liệu trạng thái thiết bị trên HMI. Hệ thống vẫn làm việc bình thường và các thao tác điều khiển vẫn thực hiện được từ máy tính HMI mà không có khả năng gây mất an toàn cho người và thiết bị. Hệ thống vẫn đảm bảo  các điều kiện liên động của từng ngăn, liên ngăn và toàn trạm.

4. Yêu cầu về khả năng mở rộng của hệ thống

Hệ thống có khả năng bổ sung các chức năng mới mà không làm thay đổi hệ thống các phần mềm đang làm việc. Hệ thống phải được thiết kế và phát triển cùng với sự hợp tác của người sử dụng để tăng khả năng mở rộng và phát triển của khách hàng:
- Mở rộng không làm suy giảm tính đảm bảo, độ tin cậy của hệ thống đang tồn tại.
- Giảm thiểu thời gian cắt điện phục vụ thi công lắp đặt và thử nghiệm hệ thống sau khi thay đổi mở rộng.
- Mở rộng hệ thống phải không yêu cầu cấu trúc lại phần mềm và phần cứng đang làm việc.
- Các phần mềm ứng dụng giám sát, điều khiển phải được thiết kế mang tính module hóa.

5. Yêu cầu về chức năng của hệ thống 

- Hệ thống sử dụng tiêu chuẩn IEC 61850 cho phép các IEDs được sản xuất từ các hãng khác nhau hoạt động tương thích trên mạng LAN chuẩn công nghiệp.
- Hệ thống tích hợp phải thu thập được các dữ liệu về trình tự các sự kiện từ tất cả các IED và phải có khả năng tích hợp nhất để tạo ra danh sách các sự kiện chung cho toàn trạm theo trình tự thời gian. Khoảng thời gian tối đa cho các dữ liệu loại này là ≤1ms. Hệ thống phải có khả năng lọc các sự kiện theo từng IED và theo khoảng thời gian
- Quá trình điều khiển và hiển thị trạng thái thiết bị phải đáp ứng thời gian tổng thể, điều khiển và hiển thị trạng thái đối với MC < 5s; DCL < 10s. 
- Các bản ghi sự cố phải được tự động tạo ra bởi các rơle. Bất cứ khi nào sự cố sảy ra, rơle đi cắt máy cắt một bản ghi sự cố phải được tạo ra và ghi lại.
- Thông tin về trình tự của các sự kiện phải được gắn nhãn thời gian thực. Độ phân dải về thời gian cho các sự kiện này < 100ms.
- Dữ liệu tương tự từ tất cả các IED phải được cập nhật ngay lập tức khi có sự thay đổi với thời gian ≤ 2s và khi không có sự thay đổi đáng kể nào thì các dữ liệu này cũng phải được cập nhật theo chu kỳ ≤ 5 phút.
- Độ chính xác của các tín hiệu tương tự: ≤ 1%.
- Dữ liệu trạng thái được cập nhật khi có sự thay đổi trạng thái với thời gian ≤ 1s và khi không có sự thay đổi trạng thái dữ liệu này cũng phải cập nhật theo chu kỳ ≤  5s.
- Các chức năng điều khiển, giám sát và đo lường của hệ thống phải được thực hiện bởi các IEDs được lắp đặt ở các ngăn lộ của các ngăn lộ của trạm. Các IEDs chịu trách nhiệm chấp hành lệnh điều khiển đóng, cắt máy cắt tự động, tại chỗ hoặc từ xa và gửi trả lại trạng thái máy cắt cùng các dữ liệu bảo dưỡng, vận hành của các thiết bị trong trạm.
- Khóa liên động, kết nối giữa các IED với IED khác nhau tuân thủ theo GOOSE của tiêu chuẩn IEC 61850.
- Tất cả các logical node cấu hình phải tuân thủ theo tiêu chuẩn IEC 61850.

* Đối với trạm biến áp có người trực vận hành. 

Phần mềm HMI phải có tối thiểu các chức năng sau:
a) Hiển thị sơđồ một sợi của toàn trạm và theo từng cấp điện áp, chi tiết từng ngăn lộ đường dây, MBA và các thiết bị khác theo thiết kế của TBAvới trạng thái hiện tại của các thiết bị, giá trị đo lường tức thời (thời gian thực) của các thông số vận hành: U, I, P, Q, F,hệ số công suất, nhiệt độ dầu MBA, nhiệt độ cuộn dây MBA, chỉ nấc MBA. Những thông số vận hành được đo theo từng pha thì phải có khả năng hiển thị tất cả các pha hoặc lựa chọn hiển thị theo từng pha.
b) Giám sát tình trạng hoạt động của  các IED,  các thiết bị mạng LAN, GPS thiết bị đầu cuối RTU/Gateway.
c) Tín hiệu cảnh báo, sự cố với hai dạng: Dòng thông báo gây chú ý trên màn hình máy tính và âm thanh.
d) Hiển thị các sự kiện, cảnh báo, sự cố gắn với thời gian xảy ra với đơn vị thời gian mức ms, thời gian xảy ra phải là thời gian theo đồng hồ của rơ le bảo vệ hoặc thiết bị điều khiển(không phải là thời gian lấy theo đồng hồ trên máy tính).
e) Cho phép người vận hành gắn, gỡ các biển báo mềm cấm thao tác, chú ý trong vận hành.
f) Hiển thị xu hướng của các thông số vận hành trong ít nhất 60 phút.
g) Ghi lại các thông số vận hành hàng giờ; ghi lại các sự kiện, cảnh báo, sự cố, các thao tác thiết bị, gắn, gỡ biển báo của người vận hành kèm theo thời gian xảy ra. Việc ghi này được lưu vào file máy tính theo từng ngày. Các file được lưu theo định dạng của Microsoft Excel.
h) Cho phép người vận hành thao tác điều khiển các thiết bị đóng cắt, chuyển nấc MBA. Khi thao tác đóng cắt thiết bị, chuyển nấc MBA phải có kiểm tra điều kiện logic.

* Đối với các TBA không có người trực vận hành:
     Giao diện người-máy chỉ để phục vụ khi có công tác tại TBA và có thể thiết lập bằng một trong hai cách sau: (i) Trang bị một (01) máy tính đấu nối trực tiếp vào mạng LAN  cùng với phần mềm HMI với chức năng như nêu ở khoản 1 điều này trừ các chức năng c - Tín hiệu cảnh báo, f - Hiển thị xu hướng của các thông số vận hành, g - Ghi dữ liệu vận hành; (ii) Trong trường hợp TBA đã được trang bị loại Gateway/RTU có hỗ trợ giao diện người-máy (HMI) thì có thể chỉ cần  một (01) máy tính kết nối và sử dụng trực tiếp HMI của Gateway/RTU.

 IV.2.4. Yêu cầu về giao thức truyền thông

     Các yêu cầu về kỹ thuật và giao thức truyền tin sau đây bắt buộc phải áp dụng trong hệ thống để các thiết bị trao đổi được dữ liệu với nhau:
     Sử dụng tiêu chuẩn IEC 61850 hoặc Modbus để trao đổi thông tin giữa các thiết bị điều khiển, bảo vệ, đo lường với Gateway/RTU và kết nối giữa các thiết bị khác trong TBA.
     Đối với các TBA không người trực vận hành có thể sử dụng chức năng HMI tích hợp với thiết bị đầu cuối để thiết lập máy tính giao diện người-máy hỗ trợ những nhân viên đến kiểm tra tình trạng hoạt động của TBA hoặc các nhóm công tác tại trạm.
     Sử dụng giao thức IEC 60870-5-101 để kết nối thiết bị đầu cuối (RTU hoặc Gateway) đến Trung tâm điều khiển, hệ thống SCADAkhi sử dụng kênh truyền theo hình thức điểm tới điểm (Point to Point).
     Sử dụng giao thức IEC 60870-5-104 để kết nối giữa thiết bị đầu cuối (RTU hoặc Gateway) với Trung tâm điều khiển, hệ thống SCADA khi sử dụng mạng IP làm kênh truyền.
      Danh sách dữ liệu cần kết nối với hệ thống SCADA của các cấp điều độ có quyền điều khiển thiết bị trong TBA như trong phụ lục 2của bộ TCKT này.

 IV.3. Tiêu chuẩn về cấu hình hệ thống bảo vệ trong TBA điều khiển tích hợp

 IV.3.1. Yêu cầu chung 

- BCU mức ngăn phải có màn hình hiển thị sơ đồ mức ngăn và thông tin vận hành.
- Liên động điều khiển của các mức ngăn và toàn trạm theo logic liên động mềm (cấu hình liên động mềm từ các IEDs) theo chuẩn GOOSE của IEC 61850.
- Sơ đồ mimic mức ngăn: Tại mỗi ngăn phía 110kV lắp đặt sơ đồ mimic, khóa điều khiển thao tác các thiết bị trong ngăn với liên động mềm trên BCU theo chuẩn GOOSE của giao thức IEC61850. Phía trung áp, sơ đồ mimic tại từng tủ xuất tuyến. 
- Phía 22kV và 35kV (nếu có): Sử dụng rơle tích hợp bảo vệ và điều khiển cho mỗi ngăn lộ tổng và các ngăn xuất tuyến. 

 IV.3.2. Điều khiển bảo vệ ngăn xuất tuyến 110kV có truyền tin bằng cáp quang

- Bảo vệ chính: Rơle bảo vệ so lệch dọc tích hợp các chức năng: F87L ; 21/21N, 67/67N, 50/51, 50/51N, 50BF, 85, 74, FR, FL. 
- Bảo vệ dự phòng: Rơle bảo vệ quá dòng có hướng tích hợp các chức năng: 67/67N, 50/51, 50/51N,79/25, 27/59, 85,74, FR, meter 
Bảo vệ chính và bảo vệ dự phòng phải hoàn toàn độc lập với BCU.
- Chức năng 50BF, 79/25, 27/59 không cần phải dự phòng, có thể được tích hợp ở một trong hai rơ le bảo vệ nêu trên. 
- BCU phải có màn hình LCD thể hiện sơ đồ MIMIC của ngăn và đảm bảo số lượng BI/BO để lấy đủ tín hiệu cho các mạch điều khiển, liên động điều khiển, chỉ thị trạng thái thiết bị và cảnh báo một số tín hiệu chính của các thiết bị trong ngăn. 
- Tùy theo sơ đồ đấu nối cụ thể của từng TBA 110kV thực tế, yêu cầu tính toán lựa chọn số lượng BI/BO phù hợp. Số lượng dự phòng cho ngăn ĐD 110kV là 05 BI và 05 BO hoặc ≥ 20%.   

 IV.3.3. Điều khiển bảo vệ ngăn xuất tuyến 110kV không có truyền tin bằng cáp quang

- Bảo vệ chính: Rơle bảo vệ khoảng cách tích hợp các chức năng: 21/21N, 67/67N, 50/51, 50/51N, 50BF, 85, 74, FR, FL. 
- Bảo vệ dự phòng: Rơle bảo vệ quá dòng có hướng tích hợp các chức năng: 67/67N, 50/51, 50/51N,79/25, 27/59, 85,74, FR, meter. 
Bảo vệ chính và bảo vệ dự phòng phải hoàn toàn độc lập với BCU.
- Chức năng 50BF, 79/25, 27/59 không cần phải dự phòng, có thể được tích hợp ở một trong hai rơ le bảo vệ nêu trên. 
- BCU phải có màn hình LCD thể hiện sơ đồ MIMIC của ngăn và đảm bảo số lượng BI/BO để lấy đủ tín hiệu cho các mạch điều khiển, liên động điều khiển, chỉ thị trạng thái thiết bị và cảnh báo một số tín hiệu chính của các thiết bị trong ngăn. 
- Tùy theo sơ đồ đấu nối cụ thể của từng TBA 110kV thực tế, yêu cầu tính toán lựa chọn số lượng BI/BO phù hợp. Số lượng dự phòng cho ngăn ĐD 110kV là 05 BI và 05 BO hoặc ≥ 20%.  

 IV.3.4. Điều khiển bảo vệ ngăn MBA 110kV

- Bảo vệ chính: Rơle so lệch MBA được tích hợp các chức năng bảo vệ: 87T, 50/51, 50/51N, 49, 64REF (theo nguyên lý tổng trở thấp), FR, meter. Sử dụng BCU rời (không tích hợp trong rơle). Tín hiệu dòng điện lấy từ các máy biến dòng ngăn máy cắt đầu vào các phía MBA.
- Bảo vệ dự phòng cho cuộn dây 110kV: Rơle quá dòng có hướng được tích hợp các chức năng: 67/67N, 50/51, 50/51N, 27/59, 50BF, 74, FR, meter.
Bảo vệ chính và bảo vệ dự phòng phải hoàn toàn độc lập với BCU.
- Rơle điều áp (F90): Độc lập, không tích hợp trong các rơle bảo vệ khác, đấu nối vào các Bay Switch trực tiếp hoặc qua bộ chuyển đổi giao thức (NIM).
- BCU phải đảm bảo số lượng BI/BO để lấy đủ tín hiệu cho các mạch điều khiển, liên động điều khiển, chỉ thị trạng thái thiết bị và cảnh báo một số tín hiệu chính của các thiết bị trong ngăn. 
- Tùy theo sơ đồ đấu nối cụ thể của từng TBA 110kV thực tế, yêu cầu tính toán lựa chọn số lượng BI/BO phù hợp. Số lượng dự phòng cho ngăn MBA 110kV là 05 BI và 05 BO hoặc ≥ 20%.    
- Chức năng rơ le bảo vệ nhiệt độ dầu/ cuộn dây MBA (26), rơ le áp lực MBA (63), rơ le hơi cho bình dầu chính và ngăn điều áp dưới tải (96), rơ le báo mức dầu tăng cao (71) được trang bị đồng bộ với MBA, được gửi đi cắt trực tiếp máy cắt ba phía thông qua rơ le chỉ huy cắt hoặc được gửi đi cắt đồng thời thông qua bảo vệ chính và dự phòng phía 110kV của MBA (87T, 67/67N).

 IV.3.5. Điều khiển bảo vệ ngăn lộ tổng và xuất tuyến trung thế

- Rơle bảo vệ quá dòng tích hợp chức năng điều khiển thực hiện điều khiển cho từng ngăn lộ.
- Giải pháp điều khiển: Gồm 01 mạch điều khiển được cấu hình từ rơle tích hợp bảo vệ điều khiển và các khóa đóng cắt cơ tại từng tủ xuất tuyến. 
- Số lượng BI/BO của rơle tích hợp bảo vệ điều khiển cho 01 ngăn xuất tuyến phải đảm bảo để thực hiện điều khiển, liên động điều khiển, chỉ thị trạng thái thiết bị và cảnh báo một số tín hiệu chính của các thiết bị trong ngăn và có dự phòng hoặc ≥ 20%.  
  
* Cấu hình cụ thể:
- Rơle bảo vệ ngăn lộ tổng cuộn dây trung áp 1 của MBA (phía trung tính cách điện): Rơle quá dòng được tích hợp các chức năng bảo vệ: 50/51, 50/51N, 50BF, 74, FR, meter và BCU được tích hợp trong rơ le. Rơle bảo vệ chính yêu cầu phải có màn hình LCD thể hiện sơ đồ MIMIC của ngăn. Tín hiệu dòng điện lấy từ biến dòng chân sứ trung áp 1 của MBA.
- Rơle bảo vệ ngăn lộ tổng cuộn dây trung áp 2 của MBA (phía trung tính nối đất): Rơle quá dòng được tích hợp các chức năng bảo vệ: 50/51, 50/51N/51G, 50BF, 74, FR, meter và BCU được tích hợp trong rơle. Rơle bảo vệ chính yêu cầu phải có màn hình LCD thể hiện sơ đồ MIMIC của ngăn. Tín hiệu dòng điện lấy từ biến dòng chân sứ trung áp 2 của MBA.
- Các ngăn lộ xuất tuyến trung thế : Yêu cầu về cấu hình rơle bảo vệ giống mục III-2.2.5. Meter và BCU được tích hợp trong rơle. Rơle bảo vệ chính yêu cầu phải có màn hình LCD thể hiện sơ đồ MIMIC của ngăn.

 IV.4. Các tín hiệu tham khảo đưa lên hệ thống máy tính
Tham khảo bảng phụ lục 2

-$-

google+

linkedin